Sunday, February 24, 2013

BUỔI GẶP GỠ BÀ NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH

Anh Thư Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
Phạm Sĩ Việt
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên trưởng,
Vì quá bất ngờ nên chúng tôi phải gác hết mọi việc để vội vã đến Nhà Việt Nam gặp chiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, người mà thời gian trước đây nổi tiếng khá năng động trong đấu tranh chống Cộng tại hải ngoại.

Với dáng người nhỏ nhắn, hiền thục của một phụ nữ Việt Nam thuần túy chị Ngọc Hạnh thân tình bắt tay tôi, và cũng là cái bắt tay đầu tiên tôi hân hạnh gặp chị.


Được hỏi chị sang đây là để công tác hay thăm viếng? Chị Ngọc Hạnh từ tốn nói:

 - Cả hai anh ạ, nhưng thăm viếng thì ít mà công tác thì nhiều. Mục đích là nhân chuyến đi này là để nói lên lời cám ơn chân tình đến với cộng đồng người Việt trên khắp các nước, trong đó có bà con mình ở Vương quốc Na Uy; từ những năm trước đây đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ và khích lệ riêng cá nhân tôi trong các hoạt động đấu tranh nhằm giải thể chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Nhất là khi tôi trong vòng lao lý tù tội, nhưng rất ấm lòng vì bên ngoài đã có những người đồng hương khắp năm châu đứng cùng chiến tuyến để lên tiếng bảo vệ công lý và can thiệp cho tôi..."
Nhp một ngụm trà nóng chị thong thả tiếp:
"Và một việc không kém phần hệ trọng, đó là bên Paris chúng tôi có thành lập "PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG CỨU NƯỚC" đã hai năm nay, với hoài bão là dấy lên ngọn lửa đấu tranh rộng khắp để sớm giải thể chế độ độc tài Cộng Sản, đem lại không khí thanh bình thịnh trị cho dân tộc mình. Và vào ngày 03 tháng 10 năm 2010 chúng tôi đã tổ chức một Đại Hội đầu tiên cho Phong Trào tại Paris.

- Như vậy có nghĩa là ngày hôm nay chị đã trở thành vị "Chủ tịch" của"PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG CỨU NƯỚC"?

- Dạ không anh ạ! Người Chủ tịch là chị Đặng Thị Danh ở tại Canada, chị này thường được mệnh danh là "nữ trung hào kiệt" ở bên đó, cho nên văn phòng của Phong Trào đặt tại Montréal, nơi chị Danh cư ngụ, vì chị Đặng Thị Danh cũng từng là chủ tịch Cộng đồng Quốc gia Montréal, Ngọc Hạnh chỉ là thành viên sáng lập phong trào, vai trò là làm sao giữ lửa cho Phong Trào, làm sợi dây kết nối, làm vực dậy tinh thần đấu tranh để thích nghi với mọi tình huống.

- Xin chị cho biết một cách khái quát về «Tôn Chỉ» và «Lập Trường» của Phong Trào?

- Như đã trình bày cùng anh, "PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG CỨU NƯỚC" không phải chỉ có phái nữ là thành viên, mà trong đó có cả nam giới nữa. Nói chung qui tụ hầu hết những người có tấm lòng với quê hương đất nước, có suy nghĩ và âu lo chung về tiền đồ dân tộc. Từ đó nhắm tới một đường hướng đấu tranh mới là cùng nung nấu một ngọn lửa lớn hầu  đốt cháy cho kỳ được chế độ Cộng Sản...

- Xin đi ra ngoài vấn đề một chút. Bây giờ trở lại chuyện của hơn 10 năm trước. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2001, khi mà chị cùng người đồng hành Phạm Anh Cường từ Paris đáp máy bay sang San Francisco, đến khách sạn Marriot nơi tên Nguyễn Tấn Dũng, phó Thủ tướng Việt cộng cư ngụ để thực hiện cho kỳ được ý định đấu tranh của mình. Khi mở chai xăng trong túi ra và bị cơ quan an ninh ập đến bắt chị thì ngay lúc ấy chị có cảm thấy mình cô đơn không?

- Thưa không anh ạ, chúng tôi hành động một mình nhưng chúng tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn. Điển hình là trên bước đường đấu tranh đâu đâu tôi cũng thấy những người cùng chiến tuyến đứng chung với tôi cả. Vì vậy, ở giờ phút sau cùng khi đứng trước phiên tòa xét xử, tôi thấy quanh tôi toàn là những chiến hữu, những đồng hương dõi mắt hướng về tôi, như là đồng tình khích lệ và hết mình hỗ trợ tinh thần cho tôi.

- Thế thì riêng cảm tưởng của chị, hành động năm đó chị có nghĩ là chị phải trả một giá quá đắt không?

- Vâng, trên bước đường đấu tranh việc vào tù ra khám đã trở thành hiển nhiên đối với tôi. Cho nên việc kêu án năm đó đối với tôi là chuyện bình thường. Và tôi không ân hận việc tôi làm, mà trái lại còn hãnh diện nữa là khác.

- Chị hãnh diện ở điểm nào, thưa chị?

- Thưa anh, tôi hãnh diện là trong phiên tòa tôi có dịp tố cáo tội ác của Hồ Chỉ Minh và đồng bọn trước ống kiếng của báo chí thế giới, trước những người có lương tri đang nắm và thi hành pháp luật như ở Mỹ. Chỉ 30 phút tố cáo đó thôi, tôi đã xứng đáng để bình tâm với bản án 5 năm trong ngục tù của tôi.

- Trở lại việc người đồng hành của chị, anh Phạm Anh Cường. Sau vài tháng tạm giam, chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ có ý định gọi là "rỉ tai", là khuyên chị và anh Cường nên "nhận tội" để được trả tự do và sẽ bình an trở về Pháp ngay. Chị thì nhất quyết không chịu đầu hàng để thể hiện đúng tinh thần và cốt cách của một anh thư lúc sa cơ. Thế nhưng anh Phạm Anh Cường thì khác, anh Cường đã nhận tội để mong được hưởng tự do. Và thực tế sau đó anh được lập thủ tục trở về Pháp. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng đứng trước những gian nguy trước mắt anh Cường đã thối chí và mất đi lập trường đấu tranh chống Cộng của mình? Nếu quả vậy thì chị đã chọn lầm một người "chiến hữu"?

- Không phải thế đâu anh ạ. Đây là thái độ mà chúng tôi lúc bấy giờ đã bàn tính kỹ lưỡng và có sắp xếp theo kế hoạch. Tuy là chuyện có tính cách «nội bộ», thấy hãy còn quá sớm dù rằng đã hơn 10 năm qua để bạch hóa ra ngoài, nhưng anh đã hỏi thì tôi cũng xin trình bày sơ qua chứ không thể đi vào chi tiết lắm. Vì chúng tôi còn tính chuyện lâu dài, nghĩ là trong hai người, một người vào tù tưởng cũng đủ, cần chi đến hai. Đem cả hai để đổi lấy cái danh dự chung thì xem như chúng tôi mất hết tất cả, không quậy lật được gì. Nếu quyết định nông cạn như thế thì chúng tôi tìm đâu ra người để kết hợp đấu tranh trường kỳ? Mình phải tùy cơ ứng biến anh ạ. Chỉ biết rằng anh Phạm Anh Cường là một chiến hữu rất trung kiên và nhiệt tình trong đấu tranh. Trái tim anh ấy vẫn còn nguyên vẹn. Không ai biết anh bằng chúng tôi.

- À, ra thế!

- Đây là câu hỏi rất hay và rất sắc bén mà anh đã đặt ra. Thành thật mà nói, từ hơn 10 năm qua chưa có ai chất vấn tôi về chuyện này. Cơ may ngày hôm nay nhờ anh mở vấn đề để soi sáng...

- Vâng, cám ơn chị!

Quả thật, từ khi nghe ngóng các thông tin của những năm về trước, dư luận phần đông khá khắc khe và tỏ ra mất thiện cảm với người đấu tranh Phạm Anh Cường. Vì nhà đấu tranh chân chính không được phép cúi đầu, cúi đầu có nghĩa là đầu hàng. Nhục lắm. Nhưng ngày hôm nay, buổi gặp gỡ ngắn ngủi diễn ra qua tâm tình của chính người trong cuộc mới soi sáng được những uẩn khúc mà hàng chục năm rồi chưa được giãi bày. Quan điểm đấu tranh của người yêu nước thời nay khiến người ta liên tưởng đến những gập gềnh nhiễu nhương của vận nước trong giai đoạn Nguyễn Trãi, một công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Hiện tượng Phạm Anh Cường của hơn 10 năm trước hình như không khác mấy đối với công thần Nguyễn Trãi ở buổi giao thời năm 1407. Khi quân nhà Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi chạy theo cha ra đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh quay lại bảo: «Con hãy quay về Thăng Long vì thù cha mà lo báo đền nợ nước». Thế là người sĩ phu áo vải Nguyễn Trãi nghe lời cha đành gạt nước mắt tạ từ và trở về nuôi chí phục hận.

Với ý định sẽ ra mắt "PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG CỨU NƯỚC" tại Na Uy để phát huy tinh thần đấu tranh chung, nhân đây chị Ngọc Hạnh cũng ân cần nhờ sự giúp đỡ của Hội Người Việt Tỵ Nạn, qua đó tạo cơ hội để tổ chức một buổi ra mắt này. Vì kể từ ngày thành lập Phong Trào đến nay (14-10-2009) danh xưng của Phong Trào chưa thật sự đi vào lòng đồng hương ở tại Vương quốc Na Uy này.

Vì cuộc hội ngộ quá bất ngờ nên rất tiếc không qui tụ được đông đảo đồng hương xa gần để được hàn huyên tâm sự cùng chị Ngọc Hạnh. Nhưng không đến nỗi thất vọng, ngày gần đây bà con đồng hương tại Na Uy sẽ có dịp gặp gỡ nhau trong buổi ra mắt long trọng của "PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG CỨU NƯỚC" hầu gom lửa đấu tranh, một chiến lược đấu tranh mới mà như chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã từng tuyên bố trước đây:

«Dù ngày xưa tôi là một người chuyên môn đốt tòa đại sứ Việt cộng, nhưng bây giờ thì tôi đã quyết định từ bỏ con đường bạo lực. Tôi đã tìm ra một phương pháp tranh đấu ôn hòa bất bạo động nhưng sẽ đem lại kết quả. Tôi sẽ không dùng lửa để đốt tòa đại sứ nữa, nhưng tôi sẽ gom lửa của đồng bào, gom lửa của tôi, của anh, của tất cả chúng ta để chúng ta cùng nhau đốt cháy chế độ Cộng sản...».

Trước giờ chia tay, chúng tôi đã trao nhau những món quà lưu niệm thân tình.
  

No comments:

Post a Comment