Friday, July 26, 2013

GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC BÍCH BÌNH LUẬN VỀ TUYÊN BỐ VIỆT - TRUNG

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích
 Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phân tích Tuyên bố Việt – Trung mà nhà cầm quyền cs VN đã ký kết với Trung Cộng, vào ngày 21.06 vừa qua. GS Bích cho biết: “Tôi xin đề cập một bài báo ở Bắc Kinh đã gọi chuyến thăm của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ông Tập Cận Bình là chiến tranh ngoại giao TQ thắng lớn chưa từng có trong lịch sử TQ. Một tờ báo khác ở Bắc Kinh nói là đã thu phục được một chư hầu thời nay chỉ cần 10 văn kiện hợp tác toàn diện.”

GS Bích lưu ý: “Tôi nêu ra những nhận định này dựa trên cơ sở của Cựu đại sứ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, của Khối 8406, của ông Bùi Tín và những sự hãnh diện của báo Trung Cộng đã loan tin, sau khi TQ đã buộc ông Sang ký 10 hiệp định trong tuyên bố Việt – Trung. Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua TQ chỉ có hai ngày mà đã mang về VN một cái khối nợ lớn kinh khủng như thế này thì bao giờ toàn dân, toàn đất nước chúng ta mới lọt ra khỏi cái vòng kim cô của TQ.”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, hiện cư ngụ tại vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn là Cựu Giám đốc Ban Việt Ngữ đầu tiên của Đài Á Châu Tự Do. Ông còn là một Nhà họat động Cộng đồng nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Hiện nay Ông là Chủ tịch Nghị hội Toàn quốc, một Tổ chức chuyên về sinh hoạt Cộng đồng và đào tạo giới trẻ người Mỹ gốc Việt để họ hội nhập vào các sinh hoạt xã hội và chính trị ở Hoa Kỳ. Thời Việt Nam Cộng Hòa, ông từng là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã và là một Chuyên viên về Thông tin Quốc Ngoại.

Sau đây xin mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn của phóng viên VRNs với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích được diễn ra vào ngày 22.07.2013.

VRNs: Thưa GS Nguyễn Ngọc Bích, ông bình luận như thế nào về tuyên bố Việt – Trung được Việt Nam và Trung Cộng ký kết vào ngày 21.06 vừa qua?

GS Nguyễn Ngọc Bích: Hiện nay, vấn đề ngoại giao giữa các nước với VN rất phức tạp và không đơn giản. Có nhiều lối đánh giá khác nhau về 10 hiệp định mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình đã ký vào ngày 21.06 vừa qua. Nếu phân tích kỹ các chi tiết trong 10 hiệp định này thì nó lôi thôi lếch thếch, không đơn giản và rất quỷ quyệt vì nó nằm trong các chi tiết (the devil is in the details). Nếu nghe sơ qua nội dung các hiệp định này, nó có vẻ bình đẳng, nhưng nếu phân tích kỹ các chi tiết thì có rất nhiều vấn đề chúng ta cần đặt lại. Tôi muốn nhắc lại sự kiện ông Chủ tịch nước Sang qua Trung Hoa và ký các hiệp định này, nó hơi ngược lại với tinh thần của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị An ninh khu vực ở Singapore cách đây vài tuần. Ở hội nghị này, ông Dũng phát biểu: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”. Nhưng ông Dũng không dám nói thẳng ra đó là ai cho dù rằng ai cũng biết đến điều này. Câu nói này được đánh giá khá cao ở trong nước lẫn ở nước ngoài, bởi vì ít nhất chính quyền cs đã nhìn ra nguy cơ của Trung Cộng đối với an ninh của đất nước, đặc biệt là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của VN.

Chuyến đi của ông Sang qua TQ được xem như mọi việc là thành công, lý tưởng và không có chuyện bất bình xảy ra giữa hai nước với nhau. Nhưng cần phải xem lại đâu là sự thật? Sự thật nằm trong lời phát biểu của ông Dũng ở Singapore hay sự thật nằm trong chuyến đi của ông Sang qua TQ, được xem như là rất thành công. Đây là nhận định chung của tôi về vấn đề này.

Nếu phân tích kỹ các chi tiết thì có rất nhiều vấn đề cần lưu ý. Tôi xin lấy lại hai nhận định của hai người ở trong nước là Cựu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ VN tại TQ và của Khối 8406.

Trong bài viết “Về chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Trương Tấn Sang” của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông viết:

“Về quân sự: Không kể việc đánh cướp Hoàng Sa của chúng ta năm 1974 và cuộc xâm lược của 60 vạn quân giết hại đồng bào, tàn phá các tỉnh biên giới của chúng ta vào tháng 2/1979, chỉ kể từ khi TQ đưa ra “Phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt”, họ cậy có bộ máy quân sự đồ sộ, tự tung tự tác liên tục hoành hành bá đạo ở biển Đông mà ta không làm gì được.

Tờ “Hoàn cầu thời báo” của Đảng Cộng sản TQ không biết bao nhiêu lần lăng mạ ta, dọa đánh ta, hung hãn nhất là câu “diệt bọn Việt Nam làm lễ tế cờ cho trận đánh Nam Sa…”, ta cũng phải im.

Về chính trị: TQ ngăn ta không được nhắc đến cuộc xâm lược tháng 2/1979 của họ, không được truy nhận liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ ta trong trận chiến ấy, cũng như đối với 64 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh trong trận TQ chiếm bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của chúng ta, hành động tưởng niệm các liệt sĩ trong hai trận chiến ấy cũng bị cấm.

TQ tùy tiện can thiệp vào sự sắp xếp nhân sự trong bộ máy Đảng, chính quyền của nước ta, ngăn ta không được quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Đông, không được đàm phán đa phương, ép ta không được để cho dân biểu tình, không cho phép báo chí phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, ngăn ta không được quan hệ mật thiết với Mỹ.

Gần đây, các bài thi viết về học tập đạo đức Hồ Chí Minh mà đụng đến TQ và biển Đông thì không được xét chấm. Tóm lại trung Quốc muốn gì đều được.

Về kinh tế: Trung Quốc lũng đoạn thị trường nước ta, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập kể cả hàng hóa độc hại chèn ép hàng hóa của ta.

Hiểm ác hơn nữa, Trung Quốc còn qua thương lái phá hoại kinh tế nước ta. Hàng trăm tấn dưa hấu, vải thiều thối bỏ ở cửa khẩu Lạng Sơn; đặt mua giá cao “trồng khoai tím”, “chặt dừa non” của đồng bào Nam Bộ rồi bỏ không mua; mua rễ cây hồ tiêu giá cao để “làm thuốc”, làm mất mùa tiêu khiến nông dân điêu đứng.

Cả ba mặt đều bị họ khống chế.

Sang mục 3 Điểm III ghi: “…tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước…”.

Việt Nam được đào tạo cán bộ cho Trung quốc ư? Hay là chỉ Việt Nam đưa người sang để Trung Quốc đào tạo cho trở thành cán bộ thấm nhuần tư tưởng “thần phục Trung Quốc”?

Điểm IV tiếp đó ghi: “…tăng cường giao lưu cấp cục, vụ giữa hai Bộ Ngoại giao”.

Thông thường bang giao giữa các quốc gia chỉ có thăm gặp gỡ cấp cao, rồi đến cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, thấp nhất chỉ đến cấp trợ lý Bộ trưởng gặp nhau đối thoại. Nay Trung Quốc muốn giao lưu xuống cấp cục, vụ là có dụng ý gì? Phải chăng cấp cục, vụ Việt Nam sang giao lưu để Trung Quốc có dịp “đãi đằng thịnh soạn, thân tình” nhằm thuyết phục, mua chuộc họ?…”

Còn nhận định của Khối 8406 (trong bài viết Hai kiểu liên kết !!!) nói : “Tóm lại, với 60 chữ “hợp tác”, 29 chữ “nhất trí” và 7 chữ “toàn diện” (nhưng lại chẳng hề có một câu chữ nào nói đến bộ luật về ứng xử COC và Công ước LHQ về Luật biển UNCLOS), Tuyên bố chung trên đây rõ ràng là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại giao nước Việt cũng như của toàn thể nhân loại từ xưa tới nay.”

Và một nhận định khác của một người đã ở trong đảng cs lâu năm nhưng sống ở nước ngoài là Cựu Đại tá Bùi Tín, ông viết trên Blog của ông trong bài viết Văn kiện đầu hàng như sau: “Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy.”

Đó là nhận định của hai người trong nước và một người ở nước ngoài, là những người hiểu rất nhiều về những vấn đề ở VN. Cho nên, tôi cho rằng, muốn hiểu đến nơi đến chốn 10 hiệp định của tuyên bố Việt – Trung thì chúng ta phải đi vào trong các chi tiết chứ không được nói khơi khơi là tinh thần hiệp định ấy tốt như người cs TQ vẫn luôn nói với chúng ta là “16 chữ vàng và 4 chữ tốt” thì cái đó rất là nguy hiểm.

VRNs: Thưa GS Nguyễn Ngọc Bích, theo ông, trong tuyên bố Việt – Trung thì vấn đề nào người dân VN cần quan tâm nhất?

GS Nguyễn Ngọc Bích: Vấn đề quan tâm nhất mà ai cũng biết đó là vấn đề biển đảo. TQ đòi lấy đường lưỡi bò chiếm tới 80% Biển đông. Trong khi đó, chúng ta có bằng chứng về lịch sử rất rõ ràng Hoàng Sa nằm trong vùng khai thác của Đàng Trong từ thời Chúa Nguyễn ở thế kỷ 17, cho đến khi vua Gia Long lên cầm quyền ở đầu thế kỷ 19 và vẫn còn lại di tích của vua Gia Long đi ra ngoài biển khơi. Tiếp đến dưới thời Minh Mạng đã xây một ngôi chùa ở Hoàng Sa. Còn đến thời Pháp thuộc đã ký hòa ước Thiên Tân giữa người Pháp và Nhà Thanh, ở bên TQ và Nhà Thanh đã hoàn toàn chấp nhận chủ quyền biên giới của người Pháp, nhân danh triều đình VN lúc bấy giờ. Do đó người Pháp đã xây dựng một đài thiên văn, để phục vụ cho hàng hải trong mấy chục năm trời và quân đội VN Cộng Hòa đã giữ đài thiên văn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tháng Giêng năm 1974, xảy ra trận hải chiến giữa người lính miền Nam VN với Trung Cộng. Những người lính miền Nam VN dù đã đấu tranh can trường nhưng cuối cùng đã thua đội hải quân của Trung Cộng, nhưng ít nhất những người lính miền Nam VN đã giết được chỉ huy trưởng và tàu chỉ huy của Trung Cộng. Đó là tất cả những bằng chứng đã được ghi nhận. Ngay trong lúc này, tôi nhớ không lầm là ở Hà Nội đang triển lãm về những bằng chứng lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là của VN suốt bao thế kỷ cho đến tận đầu thế kỷ thứ 20.

Vào năm 1935, trên bản đồ của TQ cho thấy, Hải Nam thuộc tỉnh cực Nam của TQ và cách xa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một trăm mấy chục hải lý, chính vì thế Hoàng Sa và Trường Sa không thể nào là của TQ. Nhưng người TQ vẫn lấy thịt đè người và cho rằng Hoàng Sa (bây giờ TQ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (bây giờ TQ gọi là Nam Sa) là của TQ. Trên nguyên tắc TQ xem Hoàng Sa và Trường Sa là nội hải của họ. Chuyện này không thể chấp nhận được.

Thế nhưng có chuyện lạ hơn trong tuyên bố Việt – Trung là không hề có một chỗ nào nhắc đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa hay những khác biệt về quan niệm chủ quyền biển đảo giữa Trung Cộng và Việt Nam.

Nếu chúng ta đi vào các chi tiết thì cuối năm 2000, VN đã có cuộc phân định lại lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ. Trước kia VN chiếm 60% lãnh hải của Vịnh Bắc Bộ và TQ chiếm 40% lãnh hải của Vịnh Bắc Bộ. Khi phân định lại vào cuối năm 2000 thì VN chỉ còn chiếm 53% lãnh hải của Vịnh Bắc Bộ, còn Trung Cộng chiếm 47% lãnh hải của Vịnh Bắc Bộ, nghĩa là TQ đã lấy của VN so với trước 7% lãnh hải của Vịnh Bắc Bộ tương đương với 10 nghìn cây số vuông. Nhưng trong tuyên bố Việt – Trung lại tiếp tục ký kết khai thác dầu hỏa trong khu vực 4000 cây số vuông thuộc Vịnh Bắc Bộ. Năm 2000 đã phân chia lại rồi, nhưng bây giờ, Trung Cộng lại muốn đi vào sâu hơn trong khu vực biển của VN để thăm dò dầu khí và khai thác chung. Điều này không thể chấp nhận được khi biển bị lấn đi một chút bởi Trung Cộng. Đây là những khác biệt trong lãnh hải giữa VN và Trung Cộng nhưng không được nhắc đến trong tuyên bố Việt – Trung về chủ quyền biển đảo và lãnh hải giữa hai nước.

Về tất cả mọi phương diện nghe như có vẻ như hai nước bình đẳng nhưng nếu đọc kỹ nội dung tuyên bố Việt – Trung thì không thấy bình đẳng chút nào. Chính cá nhân tôi cho rằng, chữ nghĩa là một cái bẫy để đánh lừa chúng ta. Chúng ta dùng phép thử để so sánh dân số giữa hai nước, dân số VN là 90 triệu dân và dân số TQ là 1 tỷ 300 triệu dân, nếu mà đánh đổi một cách sòng phẳng thì VN không còn gì hết trong khi đó TQ còn 1 tỷ 210 triệu dân. Bề ngoài nghe là bình đẳng lắm nhưng thực chất nó là một trò chơi rất đểu, nó chỉ là một thứ người lưu manh đi tìm một đối tác ngờ nghệch vì tất cả mọi sự Trung Cộng đã lấn át và đưa ra một hình ảnh xem như là tốt và đẹp “16 chữ tốt và 4 chữ vàng”.

Cho nên, tôi cho rằng, trong trường hợp như thế này thì đôi khi quan điểm của người trong nước và những người ở ngoài nước không giống nhau, bởi vì những người ở hải ngoại có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin khác nhau và có nhiều nhận định đánh giá khác nhau, nên những người ở hải ngoại có cái nhìn đánh giá khách quan hơn. Trong khi đó, báo chí lề phải chỉ đưa ra cách đánh giá của nhà nước, mà nhiều khi còn giấu giếm nhiều chuyện khác nữa, thành ra những người ở trong nước bị bịt mắt. Nhưng cũng may, ở trong nước có nhiều người sáng suốt và có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề với Trung Hoa như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân sống ở Hà Nội, Ts Nguyễn Quang A… hoặc GS Nguyễn Huệ Chi, là người đọc được tiếng Tàu rất giỏi. Những người này có những đánh giá ít nhiều gần với sự thật, còn không thì mình cứ bị những thứ trao đổi bên ngoài có vẻ đẹp hào nhoáng, ai nghe cũng thích như “16 chữ vàng”.

Nếu tôi được phép đổi “16 chữ vàng”, thì tôi sẽ đổi thành 16 chữ vàng bệnh hoạn và cá nhân tôi xin được đổi lại thành 16 chữ vàng ròng, nghĩa là vàng tốt và vàng thứ thiệt: “Cảnh giác Bắc Triều, khắc cốt Hoàng Sa, Nam Quan Bản Giốc, Gạc Ma Ngư phủ.”. Mỗi chuyện, chúng ta sẽ nhớ lại việc làm của TQ đã lấn át chúng ta, mà nó có tính cách lấy thịt đè người và đảo ngược lại hết lịch sử. Thế nên Nam Quan, Bản Giốc không còn thuộc về đất nước chúng ta nữa. Đảo Gạc Ma đã bị Trung Cộng lấy từ năm 1988. Còn các ngư phủ của chúng ta đi ra biển đánh cá không chỉ ở Hoàng Sa mà còn ở trong ngư trường truyền thống của Dân tộc VN như đảo Lý Sơn (Cù lao Ré)… bị Trung Cộng đánh đập, lấy cá, bắt người và đòi tiền chuộc, chặt cả cờ như hai thuyền vừa rồi (Hai tàu cá của VN bị tàu Trung Cộng tấn công và chặt cờ). Chính những điều này thì không thể nói là quan hệ bình thường và hữu nghị giữa hai dân tộc được, mà những điều này là lối hành xử của côn đồ và chúng ta không thể chấp nhận được. Vì thế, tôi đề nghị “4 chữ tốt” mà Bắc Kinh đã đề nghị với VN thành 4 chữ đểu: “Nói đểu, làm đểu, hàng đểu, hợp đồng đểu”, thì nó sẽ mô tả được rất chính xác cách hành xử của Bắc Kinh đối với người dân VN.

Tranh: Chen Feng, VRNs

VRNs: Thưa GS Nguyễn Ngọc Bích, trong tuyên bố Việt – Trung, VN khẳng định, “Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”, trong khi đó ông Bộ Ngoại Giao, Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Hội nghị ASEAN lần thứ 46 về tình hình ngư dân VN trên Biển Đông: “thời gian qua trên Biển Đông đã xảy ra nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hành động áp đặt yêu sách ngày càng tăng và các vụ việc tàu cá Việt Nam bị bắn cháy hoặc bị đâm trong khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Vậy thưa ông, lời khẳng định của ông Phạm Bình Minh có điều khác biệt như thế nào so với bản tuyên bố Việt – Trung?

GS Nguyễn Ngọc Bích: Điều này tôi đã nói ở trên, nó bị mâu thuẫn và lộ liễu giữa tuyên bố của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Singapore với tinh thần nghe như rất hòa hợp và vui vẻ trong tuyên bố Việt – Trung, vào ngày 21.06 vừa qua. Và, trong trường hợp của ông Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại Giao đã phát biểu tại Hội nghị ASEAN lần thứ 46 cũng như vậy. Thế nhưng, chúng ta phải để ý đến các chi tiết trong tuyên bố Việt – Trung, nghĩa là những sự quỷ quyệt và nhảm nhí nằm ở trong những chi tiết này (The devil is in the details). Ông Phạm Bình Minh đã nói đến cái thực tế đang xảy ra rõ ràng ở VN, nhưng ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phái đoàn của ông Sang dường như là không biết những chuyện này, hay ông Sang và phái đoàn của ông như thể bị mù quáng, hoặc bị Trung Cộng cho uống thuốc say thế nào mà không nhìn ra được những thực tế rõ ràng như vậy. Điều này đã làm cho nhiều người dân nghi ngờ. Thậm chí có thể nói, ông Sang qua TQ đã bị Trung Cộng lừa. Như thế, mình cũng phải lo lắng cho những chuyến đi kế tiếp của ông Sang, vì ông Sang đã qua TQ và mang về VN những tuyên bố giống như tuyên bố Việt – Trung thì chết cả nút chứ không chỉ chết một mình ông Sang đâu, bởi vì những tuyên bố như tuyên bố Việt – Trung thì vô cùng nguy hiểm. Nên tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta đọc thật kỹ những phân tích của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Khối 8406, ông Bùi Tín… và của rất nhiều người có bộ óc tinh tường.

Tôi xin đề cập một bài báo ở Bắc Kinh đã đề cập đến chuyến thăm của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ông Tập Cận Bình như sau, chiến tranh ngoại giao TQ thắng lớn chưa từng có trong lịch sử TQ. Một tờ báo khác nói là đã thu phục được một chư hầu thời nay chỉ cần 10 văn kiện hợp tác toàn diện. Trong một bài báo của Bắc kinh có đề cập đến ba phần nội dung chính mà TQ đã thực hiện được trong 10 hiệp định này, tôi xin trích lại một vài đoạn như sau: Thứ nhất về dân sự: đào tạo nhân dân về văn hóa, giáo dục, y tế, sản xuất, chế biến; khai thác lãnh thổ, lãnh hải, đất liền, biên giới, cửa khẩu, biển đông, dầu khí, rừng, núi; đầu tư, khoa học, công nghệ, kinh tế, thương mại, môi trường, nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông, vận tải và du lịch. Thứ hai về chính trị xây dựng guồng máy đảng và nhà nước XHCNVN; tham vấn chính phủ, ban tuyên giáo, ban đối ngoại trung ương, ban lý luận; đào tạo hữu nghị quân, dân, cán, chính cao cấp. Thế thì nhiều người gọi ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Trương Tấn Sang là thái thú của Trung Cộng thì không có gì sai cả. Thứ ba, Trung Cộng nói là “giúp” VN về vấn đề quân sự, quân đội, quốc phòng, khí tài, an ninh, ngoại giao. Đứng về kế hoạch toàn diện quy định mỗi bộ phận lập đường dây nóng, tự quản và kết nối với Bắc kinh. Ngoài ra, đảng và nhà nước XHCNVN ưu tiên cho 4 tỉnh phía Nam TQ như Tây Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam được hưởng đặc quyền khai thác toàn diện trên 7 tỉnh biên giới của VN như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cay, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, và TQ được hưởng quy chế bất xâm phạm thi hành công tác khai thác toàn diện trên trong những lãnh vực trên. Đây là những nội dung mà báo TQ đã hãnh diện về 10 hiệp định này. Trung Cộng cho rằng, thúc đẩy sự hợp tác tăng trưởng, ổn định thương mại song phương VN sang TQ để giảm thâm hụt, nghĩa là bấy lâu nay cán cân thương mại của VN nghiêng về phía TQ, chúng ta mua của TQ nhiều nhưng bán sang cho TQ ít, thành ra năm nào kim ngạch cũng nghiêng về phía TQ. Chính vì thế, TQ khuyến khích VN phấn đấu vào năm 2015 đạt được khối lượng thương mại song phương hằng năm đạt tới 60 tỷ đôla theo mục tiêu. Có khi mỗi một năm VN nợ TQ mỗi năm 30 – 40 chục tỷ đôla thì chẳng mấy chốc nhà cầm quyền cs VN bán cả nước VN đi để trả nợ cho TQ.

Tôi nêu ra những nhận định này dựa trên cơ sở của Cựu đại sứ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, của Khối 8406, của ông Bùi Tín và những sự hãnh diện của báo Trung Cộng đã loan tin, sau khi TQ đã buộc ông Sang ký 10 hiệp định trong tuyên bố Việt – Trung. Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua TQ chỉ có hai ngày mà đã mang về VN một cái khối nợ lớn kinh khủng như thế này thì bao giờ toàn dân, toàn đất nước chúng ta mới lọt ra khỏi cái vòng kim cô của TQ.

VRNs: Xin cám ơn GS Nguyễn Ngọc Bích.

No comments:

Post a Comment